KIẾN TRÚC I

           I. Ý  Nghĩa.

Một trong những điều thích thú khi học hỏi Minh Triết Thiêng Liêng (MTTL) là sự việc làm cho những gì phức tạp và khó hiểu trở nên sáng sủa và giản dị; chẳng những vậy, ứng dụng MTTL vào những hoạt động của con người còn cho ta hiểu biết thêm về một điều bí ẩn và lạ lùng là Sự Sống. Sự Sống muôn mặt và điều nó biểu lộ trong khoa kiến trúc thiên về hai ý chính là vũ trụ và con người. Hai ý đó xin được trình bầy ở bài sau, trong bài này xin chỉ nói tới những nét đại cương về khoa kiến trúc.
Âm Nhạc và Kiến Trúc.
Nhắc lại vài điều về bẩy cung, ta biết mỗi ngành nghệ thuật tương ứng với một cung, và mỗi cung có một cung tương ứng. Âm nhạc là nghệ thuật của cung hai và kiến trúc là nghệ thuật của cung sáu nên giữa hai ngành có liên quan về nhiều khía cạnh.
Trước hết âm nhạc là nghệ thuật mang tính chất thời gian, việc dễ thấy nhất là ta cần thời gian để thưởng thức một khúc nhạc, cũng như một khúc nhạc cần thời gian để biểu lộ hết những tiểu khúc, đoạn nhạc này nối tiếp đoạn nhạc kia, các nốt nhạc theo đuổi nhau cho đến hết bài. Trong khi đó kiến trúc nặng về không gian, trọn một công trình kiến trúc hiện ra trước mặt người ngắm và không cần thời gian để thấy đầu và cuối của công trình. Một dinh thự có thứ tự trước sau, nhưng thứ tự ấy xuất hiện cùng một lúc làm mất ý niệm thời gian và thay vào đó cho ta một cảm giác rất đỗi mạnh mẽ về không gian, bởi công trình kiến trúc cần không gian mới biểu lộ được.
Thứ hai, trong các ngành nghệ thuật chỉ riêng hai ngành này là có tính chất sáng tạo thuần túy. Vật được tạo ra là một tác phẩm rõ ràng và độc đáo không cần dùng thiên nhiên làm mẫu mực để theo; nhạc không cần bắt chước tiếng chim hót hay tiếng suối reo để tác động lên tâm hồn người dù nó có thể làm vậy, và kiến trúc cũng không dựa vào một hình thể nào đó của thiên nhiên để gợi nơi chúng ta cảm xúc thanh thoát. Cả hai tự tạo những âm điệu, hình thức khác biệt với thiên nhiên trong khi các ngành nghệ thuật khác không sáng tạo như thế mà chỉ tái tạo. Nghệ sĩ các ngành hội họa, điêu khắc, thơ, kịch lấy đề tài của mình đã có sẵn trong thiên nhiên và trình bày chúng trở lại cho kẻ thưởng ngoạn với tài năng của mình.
Sự khác biệt và tương đồng của âm nhạc và kiến trúc có thể ví như đầu và đuôi con rắn cuộn tròn trong biểu tượng của hội. Đầu và đuôi vì hai ngành tượng trưng hai điều khác hẳn nhau: một điều thì trừu tượng nặng tính chủ quan, linh động và chỉ có một chiều, trong khi điều kia cụ thể, có dạng thức nhất định, khách quan và ba chiều; âm nhạc thuộc nội tâm vô hình, kích thích phần hồn sâu kín của người nghe còn khoa kiến trúc hiển hiện cho người thẩm định, và phải theo sát những định luật vật lý mới biểu lộ được sự mỹ lệ. Nhưng hai cực cũng hòa với nhau khi con rắn ngậm đuôi, đầu và đuôi gặp nhau khi ta hiểu âm nhạc là mỹ lệ thuần túy, tiếng nói của linh hồn tự do và kiến trúc là linh hồn bị giam hãm trong hình dạng, bị chi phối bởi các chất liệu của cõi trần cùng luật lệ của cõi ấy.


 Khoa Kiến Trúc qua Thời Gian.
Như con người trải qua các giai đoạn ấu thơ, thiếu niên, trưởng thành và tráng niên, nhân loại cũng phát triển qua chặng đường tương tự và những công trình kiến trúc biểu lộ tinh thần nhân loại trong mỗi chặng đường ấy. Sự việc có thể nhìn theo khía cạnh khác là những phát triển của kiến trúc tương ứng với một lần tái sinh của con người, nó mang tính chất của kiếp vừa qua nhưng đồng thời cũng lộ tính chất của kiếp hiện tại, là tổng số kết quả của những kinh nghiệm học hỏi được và thêm vào đó những nét mới chỉ có riêng ở kiếp này và bày tỏ một phương diện nào đó của cái Ngã.
Các giai đoạn của kiến trúc tây phương lan từ Ai Cập sang Hy Lạp, La Mã rồi Âu châu. Đặc tính của đền đài, cổ mộ Ai Cập là làm con người kính sợ, run rẩy và hoảng kinh. Nhưng tại sao ? bởi thời ấy giới tăng lữ nắm quyền trong nước và đền thờ được xây cất với mục đích huấn luyện giáo sĩ, dẫn dắt họ vào các bí ẩn của sự sống, đồng thời đó cũng là nơi thử thách sự cứng cỏi tâm hồn của tu sĩ. Cho công chúng và cho cả tu sĩ, đền đài trang hoàng những biểu tượng và hình nhân, hình thú vật tả lại nguồn gốc, tương lai và bản chất con người; trong đó hình nhiều người biết nhất là con nhân sư Sphinx đầu người mình thú, cho thấy hai đặc tính trong con người là thú tính và nhân tính mà cũng muốn nói chúng ta từ kiếp thú tiến sang kiếp người.


Kiến trúc Ai Cập với kích thước khổng lồ, đường nét giản dị và chất liệu bằng đá thô sơ tượng trưng cho con người ấu thơ vừa mới sinh ra còn nối liền với thiên nhiên mạnh mẽ, ý thức nguồn cội thiêng liêng của mình lẫn thân xác nặng nề phải mang. Xét về mặt tâm linh, ngoài nét huyền bí, thâm u làm e dè khi bước vào đền đài cổ mộ, những công trình ấy còn toát ra một sự cưỡng chế, ngăn cấm tự do, nhấn mạnh tới một khuôn phép bất di bất dịch phải theo.

 

Sang kiến trúc Hy Lạp, nỗi hãi hùng và bí ẩn nhường chỗ cho tự do và hoan lạc thanh khiết. Lòng kinh sợ trẻ con không còn mà ta có tuổi thiếu niên hân hoan nhìn sự sống bằng cặp kính mầu hồng. Hy Lạp tượng trưng cho tuổi mới lớn, tuổi biết yêu và cũng như con người thường hoài niệm về tình yêu đầu của mình, thế giới thường hay nhìn về Hy Lạp để lấy hứng khởi cho cả lý trí mạnh mẽ lẫn mơ mộng dịu dàng. Thực vậy, công trình kiến trúc Hy Lạp bầy tỏ óc mỹ lệ và óc lý luận như nhau, kiến trúc sư Hy Lạp không bị trói buộc vào khuôn phép tập tục như ở Ai Cập mà được tự do theo đuổi hứng khởi riêng của mình.
Kết quả là Hy Lạp phong phú với nhiều kiểu mẫu, không đền thờ nào giống đền thờ nào và mỗi cái là công trình tuyệt hảo tự nó biểu lộ nét mỹ lệ, và nếu đó là một phần của hệ thống như đền Acropolis, nó còn cho thấy sự tương quan giữa đơn vị và tập thể. Qua đó ý tưởng biểu lộ là trong chế độ cộng hòa mỗi cá nhân vừa đóng góp vào lợi ích chung vừa có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình.


La Mã tượng trưng cho giai đoạn thành niên, con người vững tin vào khả năng của mình và tìm nhiều cách để hưởng lạc thú ở đời, vì bản chất của La Mã không còn là thiếu niên mơ lý tưởng như Hy Lạp, mà là sự nuông chiều xác thịt của quân nhân thắng trận. Tinh thần ấy khiến công trình đáng kể ở La Mã không còn là đền thờ nữa nhưng là kiến trúc rộng lớn và phức tạp như dinh thự riêng, sân khấu ngoài trời, đấu trường được xây cất cho con người vui chơi và thỏa mãn những đòi hỏi của cuộc đời này. Đất đá dùng ở Ai Cập biến sang cẩm thạch thanh nhã ở Hy Lạp, nhưng qua La Mã gạch và xi măng đúc thành khối vụng về, thô kệch được phủ bằng một lớp hồ cẩm thạch, toàn khối cho ra một vẻ đẹp nhưng không chứa đựng ý nghĩa gì.


Kế tiếp là kiến trúc Gothic rồi Phục Hưng, tinh thần ăn chơi trác táng của La Mã biến thành khắc khổ, đầy kỷ luật trong Gothic. Sự hưởng thụ bừa bãi làm tinh thần con người mệt mỏi, tìm cách thoát ly thân xác chán chường và ngôi giáo đường kiểu Gothic bầy tỏ ước muốn ấy. Tháp chuông nhọn vươn cao lên trời xanh, cột kèo cây đà, mái giáo đường chạm khắc công phu bí hiểm gợi ý sự khổ hạnh quá mức của một ẩn sĩ; còn bên trong mờ tối với cửa sổ rực rỡ đầy mầu sắc cho ý linh hồn trĩu nặng vì sự đau khổ trần thế, mất hết cảm xúc với cái vui phù du, và giờ chỉ còn hướng về nỗi hoan lạc cõi trời đầy bí ẩn nhưng cũng đầy ân sủng.


Và như vậy là sự phát triển của kiến trúc đi song song với sự phát triển của con người, hay nói khác đi tác phẩm con người tạo ra phản ảnh lại chính mình. Nỗi kinh hoàng thời thơ ấu, nhiệt hứng dang rộng tay ôm lấy cuộc đời ở tuổi thiếu niên, tính thụ hưởng lúc trưởng thành với nét tham lam tàn bạo dẫn tới việc con người quay trở lại phần tinh thần như lúc bé thơ, chấm dứt một chu kỳ để bước tới khúc cao hơn của vòng khu ốc. Quả thế, giai đoạn thứ tư là Gothic về một khía cạnh lập lại giai đoạn đầu Ai Cập, vì cả hai kiến trúc nhuộm đậm tinh thần tôn giáo cho một ý thức về linh hồn, và điều kiện sinh ra hai giai đoạn cũng tương tự nhau. Các tăng lữ điều khiển việc xây cất đền đài ở Ai Cập và ở Âu châu, đội công nhân xây cất tràn ngập đức tin đã làm cho công trình hai thời nhuốm vẻ huyền bí. Được xây giữa hai khối đông dân chúng ít hiểu biết, kiến trúc Ai Cập và Gothic đều có chứa biểu tượng và bí mật của MTTL.
Thế còn thời Phục Hưng ? Như vừa nói, sau Gothic con người bước vào một vòng cao hơn và Phục Hưng tương ứng với Hy Lạp ở điểm nó cũng biểu lộ nỗi hân hoan chào mừng cuộc đời, nhưng nhấn mạng đến tính cách cá nhân. Vào thời kỳ này xuất hiện một số kiến trúc sư tài danh, mỗi người một nét độc đáo riêng và tác phẩm của họ cho thấy ngay nét đặc thù của từng người. Khi Phục Hưng chuyển sang thời kỳ Baroque ta thấy tính chất băng hoại của La Mã nhắc lại trong đó. Vẻ đơn sơ chân thật không còn mà sự trang hoàng tô điểm vọt tới mức quá độ làm chán ngán mỹ quan, và sự giả dối được thấy qua nỗ lực che dấu, làm đẹp bề mặt bằng thật nhiều đồ vật vô nghĩa.
Tới đây, chặng đường sắp tới của kiến trúc nằm chính ngay trong thời đại chúng ta và tương lai, dựa vào tiến trình trên ta có thể tiên đoán là phong trào hướng về huyền học và MTTL đóng một vai trò, giúp cho ra một dạng mới của kiến trúc với chất liệu và phương pháp mới để tinh thần Gothic lại tái sinh. 
Khoa Kiến Trúc và Luật Tiến Hóa.
Trong sự tiến hóa, mỗi giai đoạn đều lập lại và có chứa đựng những giai đoạn qua. Áp dụng luật ấy vào khoa kiến trúc ta thấy có nhiều điều lý thú. Nét chính của Ai Cập là đường thẳng đứng được biểu lộ bằng trụ đá ở Luxor cùng những hàng cột thẳng tắp trong đền đài Luxor và Karnak; kiến trúc này dường như chỉ là việc chồng từng phiến đá khổng lồ lên nhau, ngay cả kim tự tháp cũng không gợi ý một bề ngang; không gian vì vậy chưa được xác định rõ trong kiến trúc Ai Cập, vì thiếu những xà ngang. Hy Lạp tiến lên một mức bằng cách vẫn giữ lấy những hàng cột uy nghi, nhưng vật đóng vai trò quan trọng hơn trong đền đài là cột ngang chạm trổ tỉ mỉ. Lịch sử được khắc trên những thanh ngang ấy và hàng cột đứng mất vẻ trừu tượng như ở Ai Cập. Như vậy yếu tố thăng bằng biểu lộ qua cột nằm ngang với cột thẳng đứng là nét chính của kiến trúc Hy Lạp.


Tới đây bạn có thể đoán là một yếu tố mới được thêm vào kiến trúc La Mã. Thật vậy, điểm nổi bật nhất của thời kỳ này là những đường dẫn nước từ suối xa về La Mã hay ở Tây Ban Nha và các nơi khác vẫn còn được sử dụng ngày nay, 2.000 năm sau khi được xây cất. Nét chính của những đường dẫn nước ấy (aqueduct) là hình vòng cung giữa hai chân chống, một kỹ thuật mà phải đợi tới người La Mã mới nghĩ ra, làm cho cột chống thêm phần mỹ lệ và vững chắc. Thêm vào đó dinh thự La Mã bắt đầu có mái vòm cũng hình cong và như thế từ hai vạch đứng, ngang của đời trước hay ta có thêm đường tròn. Kiến trúc có cả cột, xà ngang, vòng cung, mái vòm nhưng đặc điểm của nó là sự quân bình các lực, một trạng thái cân bằng linh động thay vì một sự vững chắc cố định; điều ấy được thấy qua hai cấu trúc đối nghịch nhau và điều hòa nhau ở hai bên chính điện hay thân chính của giáo đường.
Tóm tắt lại ta có bảng sau:
Kiến trúc Ai Cập cột đứng
Kiến trúc Hy Lạp đứng, ngang
Kiến trúc La Mã đứng, ngang, cong
Kiến trúc Gothic đứng, ngang, cong, phản lực
Tất cả chỉ nhằm nói lên một ý niệm rằng trong mỗi cõi tiến hóa và trong mỗi hoạt động, phương pháp của thiên nhiên là không bỏ sót một điều nào đã được thu hoạch trước đây mà giữ gìn nó, mang theo và biểu lộ trở lại trong kiếp sống mới.

CLAUDE BRAGDON
(The Beautiful Necessity)

Xem KIẾN TRÚC II